Chuẩn mực chung

CHUẨN MỰC CHUNG

Ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và yêu cầu kế toán cơ bản, các yếu tố và ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nhằm:

a/ Làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán cụ thể theo khuôn mẫu thống nhất;

b/ Giúp cho doanh nghiệp ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính theo các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán đã ban hành một cách thống nhất và xử lý các vấn đề chưa được quy định cụ thể nhằm đảm bảo cho các thông tin trên báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý;

c/ Giúp cho kiểm toán viên và người kiểm tra kế toán đưa ra ý kiến về sự phù hợp của báo cáo tài chính với chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán;

d/ Giúp cho người sử dụng báo cáo tài chính hiểu và đánh giá thông tin tài chính được lập phù hợp với các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

2. Các nguyên tắc, yêu cầu kế toán cơ bản và các yếu tố của báo cáo tài chính quy định trong chuẩn mực này được quy định cụ thể trong từng chuẩn mực kế toán, phải được áp dụng đối với mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong phạm vi cả nước.

Chuẩn mực này không thay thế các chuẩn mực kế toán cụ thể. Khi thực hiện thì căn cứ vào chuẩn mực kế toán cụ thể. Trường hợp chuẩn mực kế toán cụ thể chưa quy định thì thực hiện theo Chuẩn mực chung.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Các nguyên tắc kế toán cơ bản

Cơ sở dồn tích

3. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền. Báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hoạt động Liên tục

4. Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình. Trường hợp thực tế khác với giả định hoạt động liên tục thì báo cáo tài chính phải lập trên một cơ sở khác và phải giải thích cơ sở đã sử dụng để lập báo cáo tài chính.

Giá gốc

5. Tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận. Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.

Phù hợp

6. Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó. Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.

Nhất quán

7. Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kỳ kế toán năm. Trường hợp có thay đổi chính sách và phương pháp kế toán đã chọn thì phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

Thận trọng

8. Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:

a/ Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn;

b/ Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập;

c/ Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí;

d/ Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.

Trọng yếu

8. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính. Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính.

CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN ĐỐI VỚI KẾ TOÁN

Trung thực

10. Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

Khách quan

11. Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo.

Đầy đủ

12. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót.

Kịp thời

13. Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định, không được chậm trễ.

Dễ hiểu

14. Các thông tin và số liệu kế toán trình bày trong báo cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu đối với người sử dụng. Người sử dụng ở đây được hiểu là người có hiểu biết về kinh doanh, về kinh tế, tài chính, kế toán ở mức trung bình. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong báo cáo tài chính phải được giải trình trong phần thuyết minh.

Có thể so sánh

15. Các thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh được khi tính toán và trình bày nhất quán. Trường hợp không nhất quán thì phải giải trình trong phần thuyết minh để người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh thông tin giữa các kỳ kế toán, giữa các doanh nghiệp hoặc giữa thông tin thực hiện với thông tin dự toán, kế hoạch.

16. Yêu cầu kế toán quy định tại các Đoạn 10, 11, 12, 13, 14, 15 nói trên phải được thực hiện đồng thời. Ví dụ: Yêu cầu trung thực đã bao hàm yêu cầu khách quan; yêu cầu kịp thời nhưng phải đầy đủ, dễ hiểu và có thể so sánh được.

CÁC YẾU TỐ CỦA BÁO CÁO TÀI CHÍNH

17. Báo cáo tài chính phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp bằng cách tổng hợp các nghiệp vụ kinh tế, tài chính có cùng tính chất kinh tế thành các yếu tố của báo cáo tài chính. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xác định tình hình tài chính trong Bảng cân đối kế toán là Tài sản, Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến đánh giá tình hình và kết quả kinh doanh trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là Doanh thu, thu nhập khác, Chi phí và Kết quả kinh doanh.

Tình hình tài chính

18. Các yếu tố có liên quan trực tiếp tới việc xác định và đánh giá tình hình tài chính là Tài sản, Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu. Những yếu tố này được định nghĩa như sau:

a/ Tài sản: Là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.

b/ Nợ phải trả: Là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua mà doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình.

c/ Vốn chủ sở hữu: Là giá trị vốn của doanh nghiệp, được tính bằng số chênh lệch giữa giá trị Tài sản của doanh nghiệp trừ (-) Nợ phải trả.

19. Khi xác định các khoản mục trong các yếu tố của báo cáo tài chính phải chú ý đến hình thức sở hữu và nội dung kinh tế của chúng. Trong một số trường hợp, tài sản không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng căn cứ vào nội dung kinh tế của tài sản thì được phản ảnh trong các yếu tố của báo cáo tài chính. Ví dụ, trường hợp thuê tài chính, hình thức và nội dung kinh tế là việc doanh nghiệp đi thuê thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản thuê đối với phần lớn thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, đổi lại doanh nghiệp đi thuê có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền xấp xỉ với giá trị hợp lý của tài sản và các chi phí tài chính có liên quan. Nghiệp vụ thuê tài chính làm phát sinh khoản mục “Tài sản” và khoản mục “Nợ phải trả” trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đi thuê.

Tài sản

20. Lợi ích kinh tế trong tương lai của một tài sản là tiềm năng làm tăng nguồn tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp hoặc làm giảm bớt các khoản tiền mà doanh nghiệp phải chi ra.

21. Lợi ích kinh tế trong tương lai của một tài sản được thể hiện trong các trường hợp, như:

a/ Được sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp với các tài sản khác trong sản xuất sản phẩm để bán hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng;

b/ Để bán hoặc trao đổi lấy tài sản khác;

c/ Để thanh toán các khoản nợ phải trả;

d/ Để phân phối cho các chủ sở hữu doanh nghiệp.

22. Tài sản được biểu hiện dưới hình thái vật chất như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá hoặc không thể hiện dưới hình thái vật chất như bản quyền, bằng sáng chế nhưng phải thu được lợi ích kinh tế trong tương lai và thuộc quyền kiểm soát của doanh nghiệp.

23. Tài sản của doanh nghiệp còn bao gồm các tài sản không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp kiểm soát được và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai, như tài sản thuê tài chính; hoặc có những tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai nhưng có thể không kiểm soát được về mặt pháp lý, như bí quyết kỹ thuật thu được từ hoạt động triển khai có thể thỏa mãn các điều kiện trong định nghĩa về tài sản khi các bí quyết đó còn giữ được bí mật và doanh nghiệp còn thu được lợi ích kinh tế.

24. Tài sản của doanh nghiệp được hình thành từ các giao dịch hoặc các sự kiện đã qua, như góp vốn, mua sắm, tự sản xuất, được cấp, được biếu tặng. Các giao dịch hoặc các sự kiện dự kiến sẽ phát sinh trong tương lai không làm tăng tài sản.

25. Thông thường khi các khoản chi phí phát sinh sẽ tạo ra tài sản. Đối với các khoản chi phí không tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai thì không tạo ra tài sản; Hoặc có trường hợp không phát sinh chi phí nhưng vẫn tạo ra tài sản, như vốn góp, tài sản được cấp, được biếu tặng.

Nợ phải trả

26. Nợ phải trả xác định nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp khi doanh nghiệp nhận về một tài sản, tham gia một cam kết hoặc phát sinh các nghĩa vụ pháp lý.

27. Việc thanh toán các nghĩa vụ hiện tại có thể được thực hiện bằng nhiều cách, như:

a/ Trả bằng tiền;

b/ Trả bằng tài sản khác;

c/ Cung cấp dịch vụ;

d/ Thay thế nghĩa vụ này bằng nghĩa vụ khác;

đ/ Chuyển đổi nghĩa vụ nợ phải trả thành vốn chủ sở hữu.

28. Nợ phải trả phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua, như mua hàng hoá chưa trả tiền, sử dụng dịch vụ chưa thanh toán, vay nợ, cam kết bảo hành hàng hoá, cam kết nghĩa vụ hợp đồng, phải trả nhân viên, thuế phải nộp, phải trả khác.

Vốn chủ sở hữu

29. Vốn chủ sở hữu được phản ảnh trong Bảng cân đối kế toán, gồm: vốn của các nhà đầu tư, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận giữ lại, các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối, chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản.

a/ Vốn của các nhà đầu tư có thể là vốn của chủ doanh nghiệp, vốn góp, vốn cổ phần, vốn Nhà nước;

b/ Thặng dư vốn cổ phần là chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành;

c/ Lợi nhuận giữ lại là lợi nhuận sau thuế giữ lại để tích luỹ bổ sung vốn;

d/ Các quỹ như quỹ dự trữ, quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển;

đ/ Lợi nhuận chưa phân phối là lợi nhuận sau thuế chưa chia cho chủ sở hữu hoặc chưa trích lập các quỹ;

e/ Chênh lệch tỷ giá, gồm:

+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng;

+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi doanh nghiệp ở trong nước hợp nhất báo cáo tài chính của các hoạt động ở nước ngoài sử dụng đơn vị tiền tệ kế toán khác với đơn vị tiền tệ kế toán của doanh nghiệp báo cáo.

g/ Chênh lệch đánh giá lại tài sản là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản với giá trị đánh giá lại tài sản khi có quyết định của Nhà nước, hoặc khi đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, cổ phần.

Tình hình kinh doanh

30. Lợi nhuận là thước đo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xác định lợi nhuận là Doanh thu, thu nhập khác và Chi phí. Doanh thu, thu nhập khác, Chi phí và Lợi nhuận là các chỉ tiêu phản ánh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

31. Các yếu tố Doanh thu, thu nhập khác và Chi phí được định nghĩa như sau:

a/ Doanh thu và thu nhập khác: Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường và các hoạt động khác của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản góp vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu.

b/ Chi phí: Là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán dưới hình thức các khoản tiền chi ra, các khoản khấu trừ tài sản hoặc phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản phân phối cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.

32. Doanh thu, thu nhập khác và chi phí được trình bày trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để cung cấp thông tin cho việc đánh giá năng lực của doanh nghiệp trong việc tạo ra các nguồn tiền và các khoản tương đương tiền trong tương lai.

33. Các yếu tố doanh thu, thu nhập khác và chi phí có thể trình bày theo nhiều cách trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để trình bày tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, như: Doanh thu, chi phí và lợi nhuận của hoạt động kinh doanh thông thường và hoạt động khác.

Doanh thu và Thu nhập khác

34. Doanh thu phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp và thường bao gồm: Doanh thu bán hàng, doanh thu cung cấp dịch vụ, tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia…

35. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập phát sinh từ các hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu, như: thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng,…

Chi phí

36. Chi phí bao gồm các chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp và các chi phí khác.

37. Chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, như: giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi tiền vay, và những chi phí liên quan đến hoạt động cho các bên khác sử dụng tài sản sinh ra lợi tức, tiền bản quyền,… Những chi phí này phát sinh dưới dạng tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, khấu hao máy móc, thiết bị.

38. Chi phí khác bao gồm các chi phí ngoài các chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, như: chi phí về thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, các khoản tiền bị khách hàng phạt do vi phạm hợp đồng,…

Ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính

39. Báo cáo tài chính phải ghi nhận các yếu tố về tình hình tài chính và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp; trong các yếu tố đó phải được ghi nhận theo từng khoản mục. Một khoản mục được ghi nhận trong báo cáo tài chính khi thoả mãn cả hai tiêu chuẩn:

a/ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế hoặc làm giảm lợi ích kinh tế trong tương lai;

b/ Khoản mục đó có giá trị và xác định được giá trị một cách đáng tin cậy.

Ghi nhận tài sản

40. Tài sản được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán khi doanh nghiệp có khả năng chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai và giá trị của tài sản đó được xác định một cách đáng tin cậy.

41. Tài sản không được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán khi các chi phí bỏ ra không chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp thì các chi phí đó được ghi nhận ngay vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi phát sinh.

Ghi nhận nợ phải trả

42. Nợ phải trả được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán khi có đủ điều kiện chắc chắn là doanh nghiệp sẽ phải dùng một lượng tiền chi ra để trang trải cho những nghĩa vụ hiện tại mà doanh nghiệp phải thanh toán, và khoản nợ phải trả đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.

Ghi nhận doanh thu và thu nhập khác

43. Doanh thu và thu nhập khác được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi thu được lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan tới sự gia tăng về tài sản hoặc giảm bớt nợ phải trả và giá trị gia tăng đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.

Ghi nhận chi phí

44. Chi phí sản xuất, kinh doanh và chi phí khác được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi các khoản chi phí này làm giảm bớt lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan đến việc giảm bớt tài sản hoặc tăng nợ phải trả và chi phí này phải xác định được một cách đáng tin cậy.

45. Các chi phí được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí.

46. Khi lợi ích kinh tế dự kiến thu được trong nhiều kỳ kế toán có liên quan đến doanh thu và thu nhập khác được xác định một cách gián tiếp thì các chi phí liên quan được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở phân bổ theo hệ thống hoặc theo tỷ lệ.

47. Một khoản chi phí được ghi nhận ngay vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ khi chi phí đó không đem lại lợi ích kinh tế trong các kỳ sau.

Công tác kế toán cuối kỳ và các BC tài chính

Nội dung và nguyên tắc:

  • Hoàn tất việc ghi chép
  • Điều chỉnh số liệu kế toán
  • Hoàn nhập dự phòng giảm giá còn lại (Nếu ko dung đến) hoặc trích lập bổ xung dự phòng giảm giá vào cuối mỗi niên độ
  • Lập các báo cáo kế toán quản trị và báo cáo kế toán tài chính theo định kỳ
  • Xử lý các khoản chênh lệch giá tài sản, chênh lệch tỷ giá…

Kế toán kết quả kiểm kê

Cuối kỳ sau khi kiểm kê thường xảy ra các hiện tượng thừa thiếu tài sản

Ghi nhận kết quả kiểm kê:

Phản ánh giá trị TS thiếu tại kho:

Nợ 632, 138

Có TK lq: 152,153,155,156

Phản ánh giá trị TS thừa tại kho:

Nợ TK lq: 152,153,155,156: giá trị TS thừa

Có 632: gía trị thừa trong định mức

Có 338 (3381): Giá trị thừa ko rõ nguyên nhân

Số tiền thừa ko rõ nguyên nhân:

Nợ 111,112

Có 3381:ghi tăng giá trị thừa chờ xử lý

Số tiền thiếu ko rõ nguyên nhân:

Nợ 138:

Có 111, 112

Ghi nhận KQ xử lý TS, tiền thừa, thiếu:

Nợ 138, 334, 632, 811, 415

Có 138

Khi xử lý số thừa:

Nợ 338 (3381)

Có 632, 411, 711, 421…

Ghi nhận KQ xử lý khoản chênh lệch:

Ghi tăng nguồn vốn KD (nếu chênh lệch tăng):

Nợ 412:

Có 411

Ghi giảm nguồn vốn KD (nếu chênh lệch giảm)

Nợ 411

Có 412

Chênh lệch tăng tỷ giá ghi:

Nợ 413

Có 515

Nếu QĐ tăng chi phí cho HĐ tài chính:

Nợ 635

Có 413

Kế toán các tài khoản ngoại bảng

TK ngoại bảng Phản ánh những tài sản tạm thời để ở doanh nghiệp nhưng ko thuộc quyền sở hữu của DN hay phản ánh một số chỉ tiêu kinh tế đã được phản ánh của các tài khoản trong bảng cân đối kế toán nhưng cần theo dõi

Các TK loại này đều được ghi đơn với cấu trúc chung:

  • Bên Nợ: Phản ánh các nghiệp vụ tăng
  • Bên Có: Phản ánh các nghiệp vụ giảm
  • Dư nợ: Phản ánh giá trị hiện còn

Sửa đổi, bổ sung mới về quản lý thuế và hóa đơn chứng từ

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp theo lộ trình đã được đề ra nhằm cụ thể hóa Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ. Ngày 27/2/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC hướng dẫn nội dung về thuế GTGT, quản lý thuế và hóa đơn. Theo đó, nội dung mới sửa đổi liên quan đến hai Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 về quản lý thuế và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của Bộ Tài chính; Cụ thể như sau:

Nội dung mới sửa đổi, bổ sung về quản lý thuế

Trong Thông tư số 156/2013/TT-BTC chưa hướng dẫn cụ thể việc kê khai thuế tại nơi có công trình về giá trị công trình xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh và có giá trị công trị lớn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi thực hiện việc kê khai thuế. Để giải quyết những vướng mắc trên, Bộ tài chính đã hướng dẫn trong Thông tư số 26/2015/TT-BTC đối với các trường hơp: Nộp thuế theo tỷ lệ đối với trường hợp xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh mà giá trị công trình xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên. Hướng dẫn nộp thuế cho Người nộp thuế có công trình liên quan đến nhiều địa phương đối với trường hợp Người nộp thuế có công trình xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh liên quan tới nhiều địa phương như: Xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, dẫn dầu, dẫn khí,…; Nếu không xác định được doanh thu của công trình ở từng địa phương cấp tỉnh thì Người nộp thuế khai thuế GTGT của doanh thu xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh chung với hồ sơ khai thuế GTGT tại trụ sở chính và nộp thuế cho các tỉnh nơi có công trình đi qua. Số thuế GTGT phải nộp cho các tỉnh được tính theo tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh do Người nộp thuế tự xác định nhân với 2% doanh thu chưa có thuế GTGT của hoạt động xây dựng công trình. Số thuế GTGT đã nộp (theo chứng từ nộp thuế) của hoạt động xây dựng công trình liên tỉnh được trừ vào số thuế phải nộp trên Tờ khai thuế GTGT (mẫu số 01/GTGT) của Người nộp thuế tại trụ sở chính. Người nộp thuế lập Bảng phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương nơi có công trình xây dựng, lắp đặt liên tỉnh (mẫu số 01-7/GTGT) và sao gửi kèm theo Tờ khai thuế GTGT cho Cục Thuế nơi được hưởng nguồn thu thuế GTGT.

Để giảm bớt thủ tục về thuế, Bộ Tài chính đã bãi bỏ Bảng kê HHDV mua vào, bán ra trong Hồ sơ khai thuế GTGT và thuế TTĐB. Bãi bỏ quy định về gia hạn nộp thuế đối với trường hợp Người nộp thuế chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán NSNN.

Hướng dẫn cụ thể về đồng tiền nộp thuế và xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản nộp NSNN đối với trường hợp: Người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ nhưng được cơ quan có thẩm quyền cho phép nộp thuế bằng đồng Việt Nam thì Người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế căn cứ số tiền Việt Nam Đồng trên chứng từ nộp tiền vào NSNN và tỷ giá quy định để quy đổi thành số tiền bằng ngoại tệ để thanh toán cho khoản nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ. Trường hợp nộp tiền tại Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước thì áp dụng tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi Người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm Người nộp thuế nộp tiền vào NSNN. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế.

Từ ngày 01/01/2015, tiền chậm nộp được tính theo mức 0,05% số tiền thuế chậm nộp tính trên mỗi ngày chậm nộp. Đối với các khoản tiền thuế khai thiếu của kỳ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2015 nhưng sau ngày 01/01/2015, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra hoặc Người nộp thuế tự phát hiện thì áp dụng tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế khai thiếu cho toàn bộ thời gian chậm nộp. Trường hợp Người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không nộp thuế kịp thời dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế.

Sửa đổi, bổ sung về số tiền chậm nộp được miễn tính trên số tiền thuế còn nợ tại thời điểm xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh… và số tiền chậm nộp được miễn này không vượt quá giá trị bị thiệt hại.

Sửa đổi về hồ sơ hoàn thuế theo hướng hồ sơ hoàn thuế của các đối tượng đề nghị áp dụng Hiệp định không bao gồm Chứng từ nộp thuế. Riêng đối với các hãng vận tải nước ngoài, hồ sơ hoàn thuế không bao gồm chứng từ chứng minh cho việc doanh nghiệp khai thác tàu, chứng từ nộp thuế và xác nhận của tổ chức, cá nhân Việt Nam ký kết hợp đồng về thời gian và tình hình hoạt động thực tế theo hợp đồng.

Bổ sung về việc các hồ sơ hoàn thuế của hãng vận tải nước ngoài theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau và việc kiểm tra sau hoàn thuế phải được thực hiện trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.

Về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Theo quy định mới thì Cơ sở kinh không phải đăng ký sử dụng dấu ngăn cách và chữ viết không dấu trên hóa đơn mà Thông tư số 39/2014/TT-BTC đã quy định trước đây.

Về sử dụng hóa đơn tự in/đặt in, sau 5 ngày làm việc, nếu cơ quan Thuế quản lý trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì tổ chức được phép sử dụng. Bổ sung hướng dẫn việc kết nối với cơ quan Thuế để gửi thông tin cho cơ quan Thuế theo lộ trình triển khai của cơ quan Thuế đối với Người nộp thuế kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, siêu thị … có sử dụng hệ thống máy tính tiền, hệ thống cài đặt phần mềm bán hàng để thanh toán. Hướng dẫn cụ thể trường hợp không xuất hóa đơn đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh. Bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

Bộ Tài chính cũng đã bãi bỏ quy định cơ quan Thuế quản lý trực tiếp xác định số lượng hóa đơn được thông báo phát hành để sử dụng từ 3 tháng đến 6 tháng tại Thông báo phát hành hóa đơn của doanh nghiệp. Bãi bỏ các nội dung liên quan đến Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra và các nội dung quy định về tỷ giá khi xác định doanh thu, giá tính thuế tại Thông tư số 05/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính.

Các nội dung trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế có hiệu lực thi hành./.

Quy định mới về thuế thu nhập cá nhân 2015

Từ ngày 01/01/2015, nhiều quy định mới về Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể như sau:

1. Thu nhập chịu thuế

– Thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc thu nhập chịu thuế.

– Quy định thu nhập “Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino” sửa thành “Trúng thưởng trong các hình thức cá cược”.

2. Thu nhập được miễn thuế

Bổ sung thêm các khoản thu nhập sau được miễn thuế:

– Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

– Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.

3. Thuế đối với cá nhân kinh doanh

Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh như sau:

– Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%

– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2% (Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%).

– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%

– Hoạt động kinh doanh khác: 1%

4. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn

Sửa đổi quy định “Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá bán chứng khoán” thành “Đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần”.

5. Sửa đổi quy định về “Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản”

Theo đó, quy định lại như sau:

1. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần.

2. Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản.

3. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

6. Thay đổi về biểu thuế toàn phần

Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản với mức thuế suất là 2% (trước đây chia thành 2 trường hợp: 25% và 2%).

Nội dung trên được quy định tại Điều 2 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014.

Văn bản thuế mới tháng 01/2015

1. Công văn số 5798/TCT-KK ngày 24/12/2014 hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền

Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 về việc tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền, trong đó Điểm 2.1 đã hướng dẫn rõ việc ghi thông tin kiểm tra thực tế đối với hàng hóa xuất khẩu.

Do vậy, trường hợp tờ khai hàng hóa xuất khẩu không đủ thông tin theo đúng hướng dẫn tại Điểm 2.1 Công văn số 12485/BTC-TCT nêu trên thì không đủ điều kiện xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT.

2. Công văn số 5803/TCT-CS ngày 24/12/2014 về chính sách thuế đối với trường hợp chuyển nhượng vốn.

Trường hợp Công ty cổ phần RenanMitsuaki nhận chuyển nhượng vốn trong Công ty TNHH MTV Tokyo Style Viet Nam Hue từ Công ty cổ phần Tokyo Style và đổi tên doanh nghiệp từ Công ty TNHH MTV Tokyo Style Viet Nam Hue thành Công ty TNHH MSV thì những tài sản của Công ty TNHH MSV thuộc đối tượng phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp bên nước ngoài chuyển nhượng vốn trong các doanh nghiệp là đối tượng cư trú của Việt Nam mà giá trị bất động sản chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng số tài sản của doanh nghiệp thì Việt Nam có quyền thu thuế thu nhập.

Nếu Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế có cơ sở để xác định giá thanh toán tại hợp đồng mua bán giữa Công ty cổ phần Tokyo Style và Công ty cổ phần RenanMitsuaki không phù hợp theo giá thị trường, Cục Thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng theo quy định. Công ty TNHH MTV Tokyo Style Viet Nam Hue (nay là Công ty TNHH MSV) có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của Công ty cổ phần Tokyo Style.

3. Công văn số 5805/TCT-CS ngày 24/12/2014 về chính sách thuế TNDN

Trường hợp Công ty TNHH Khu du lịch Biển Vinacapital Đà Nẵng có năm tài chính từ ngày 1/7/2013 đến ngày 30/6/2014, trong kỳ tính thuế TNDN nêu trên Công ty có phát sinh lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh khác như sau:

– Từ ngày 1/7/2013 đến ngày 31/12/2013 nếu Công ty phát sinh lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì sổ lỗ này được chuyển vào thu nhập của hoạt động chuyển nhượng bất động sản của năm 2014, Công ty không được chuyển lỗ vào thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả thu nhập khác theo quy định) phát sinh từ ngày 1/7/2013 đến ngày 31/12/2013.

– Từ ngày 1/1/2014 đến 30/6/2014 nếu Công ty phát sinh lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả thu nhập khác theo quy định) phát sinh từ ngày 1/1/2014 đến ngày 30/6/2014.

4. Công văn số 5806/TCT-KK ngày 24/12/2014 về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán qua ngân hàng):

Tổng cục Thuế hướng dẫn rõ thêm về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán qua ngân hàng) đối với hàng hóa, dịch vụ được xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT như sau:

(1) Các loại chứng từ thanh toán qua ngân hàng:

a) Chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào: Chứng từ do tổ chức tín dụng được phép hoạt động ở Việt Nam (nơi bên trả tiền mở tài khoản) gửi cho bên trả tiền nhằm báo Nợ số tiền đã chuyển khoản đến tài khoản của bên thụ hưởng mở tại tổ chức tín dụng có liên quan.

b) Chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu: Chứng từ do tổ chức tín dụng được phép hoạt động ở Việt Nam (nơi bên thụ hưởng mở tài khoản) gửi cho bên thụ hưởng nhằm báo Có số tiền đã nhận chuyển khoản từ tài khoản của bên trả tiền mở tại tổ chức tín dụng có liên quan.

c) Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT là chứng từ thực hiện đúng theo quy định tại Điều 5 Chế độ chứng từ kế toán ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12/12/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

d) Trường hợp chứng từ thanh toán qua ngân hàng có nội dung chưa rõ thì cơ quan Thuế đề nghị tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng ví điện tử có liên quan cung cấp thêm thông tin để có căn cứ xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT.

(2) Đối chiếu, kiểm tra chứng từ thanh toán qua ngân hàng:

a) Trường hợp chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có nguồn tiền thanh toán được chuyển khoản từ tài khoản của khách hàng nước ngoài mở tại ngân hàng ở Việt Nam:

– Nguồn tiền chuyển vào tài khoản của khách hàng nước ngoài phải phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối hiện hành.

– Cơ quan Thuế phải kiểm tra, phối hợp với tổ chức tín dụng, cơ quan Hải quan có liên quan xác minh nguồn tiền nộp vào tài khoản của khách hàng nước ngoài mở tại ngân hàng ở Việt Nam để có đủ căn cứ xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT

5. Công văn số 5849/TCT-CS ngày 26/12/2014 về chính sách thu tiền thuế đất

Trường hợp Công ty cổ phần Cát Phú được Nhà nước cho thuê đất theo Quyết định số 1792/QD-CT ngày 23/6/2005 của ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu là dự án đầu tư sản xuất trong các khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và đã được ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 225/UB ngày 3/11/2005, nếu đã nộp hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật về quản lý thuế kể từ ngày 01/7/2014 thì doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 19 nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ nêu trên.

6. Công văn số 5855/TCT-DNL ngày 26/12/2014 giá tính thu điều tiết đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ

Các sản phẩm lọc dầu và hóa dầu do Công ty Bình Sơn sản xuất và sử dụng để tiêu dùng nội bộ thuộc đối tượng thu điều tiết. Giá tính thu điều tiết đối với các sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu dùng nội bộ được xác định theo giá bán các sản phẩm cùng loại hoặc tương đương do Công ty sản xuất và xuất bán ra thị trường tại thời điểm phát sinh việc tiêu dùng nội bộ (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu và các khoản thuế, phí phải nộp ngân sách nhà nước (nếu có)).

7. Công văn số 5857/TCT-CS ngày 26/12/2014 về việc kê khai thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh chế biến thức ăn gia súc

Theo nội dung trình bày và tài liệu gửi kèm tại công văn số 05/DV, công văn số 04/DV nêu trên, Công ty TNHH Nông Sản Đài Việt (Công ty) có dự án đầu tư trang trại chăn nuôi và nhà máy sản xuất thức ăn gia súc với quy trình: Nhà máy thu mua nguyên liệu để sản xuất ra thức ăn gia súc (cám); thức ăn gia súc (cám) sản xuất ra được tiếp tục phục vụ cho hoạt động chăn nuôi heo và sản phẩm bán ra là thịt heo (chưa qua chế biến). Thuế GTGT đầu vào mua nguyên vật liệu để sản xuất thức ăn gia súc, Công ty đã không kê khai, khấu trừ thì TCT đề nghị Cục Thuế tỉnh Bình Dương xem xét đối với lượng thức ăn gia súc (cám) phục vụ hoạt động chăn nuôi Công ty không phải tính, nộp thuế GTGT. Từ Tháng 07/2012 đến tháng 4/2014, Công ty đã bán một phần thức ăn gia súc có tính thuế GTGT đầu ra 5% thì thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được phân bổ theo tỷ lệ doanh thu chịu thuế trên tổng doanh thu (bao gồm doanh thu chịu thuế GTGT – là doanh thu bán thức ăn gia súc và doanh thu không chịu thuế GTGT – là doanh thu bán heo, thịt heo chưa qua chế biến).

8. Công văn số 5859/TCT-CS ngày 26/12/2014 về việc bán hóa đơn cho đối tượng là doanh nghiệp mới thành lập có vốn điều lệ dưới 15 tỷ đồng

Trường hợp CụcThuế trong quá trình quản lý xác định là Doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, không phân biệt Doanh nghiệp mới thành lập hay đang hoạt động thì Cục Thuế thông báo để Doanh nghiệp thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian 12 tháng (thời gian 12 tháng được tính kể từ ngày Cục Thuế thông báo cho Doanh nghiệp). Hết thời gian 12 tháng, căn cứ tình hình sử dụng hóa đơn, việc kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và đề nghị của doanh nghiệp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Cục Thuế có văn bản thông báo doanh nghiệp chuyển sang tự tạo hóa đơn để sử dụng hoặc tiếp tục mua hóa đơn của cơ quan thuế nếu không đáp ứng điều kiện tự in hoặc đặt in hóa đơn như hướng dẫn tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/ND-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

9. Công văn số 5869/TCT-CS ngày 26/12/2014 về giải quyết hoàn thuế cho cá nhân cho thuê nhà có doanh thu nhỏ hơn 100 triệu

Trường hợp Bà Nguyễn Thị Thu Hương địa chỉ 134 Đô Đốc Bảo, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, từ năm 2012 có ký hợp đồng cho thuê lắp đặt cột ăng ten trên mái nhà với giá 3.500.000/tháng. Trong tháng 4/2014 để có hoá đơn giao cho bên thuê số tiên thuê của năm 2014, Đội thuế phường Trần Phú thuộc Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn đã cấp hoá đơn lẻ cho Bà Hương và thu tiền thuế của năm 2014 (gồm thuế GTGT, TNCN, thuế môn bài). Do bà Hương chỉ có thu nhập duy nhất từ cho thuê hợp đồng nói trên nên. tổng doanh thu năm 2014 dưới 100 triệu đồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nên không thuộc đối tượng được cơ quan Thuế cấp hoá đơn lẻ, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã xác định việc cấp hoá đơn lẻ của Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn là không đúng, riêng thuế môn bài năm 2014, Bà Hương vẫn phải nộp theo quy định thì Bà Hương được hoàn lại số thuế đã thu không đúng quy định.

Do hoá đơn đã cung cấp cho bên thuê là Công ty Thông tin di động Chi nhánh Bình Định không thể thu hồi được, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế tỉnh Bình Định chỉ đạo Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn thực hiện hoàn lại tiền thuế cho Bà Nguyễn Thị Thu Hương theo quy định của Luật Quản lý thuế nêu trên.

10. Công văn số 5878/TCT-CS ngày 27/12/2014 về chính sách thuế GTGT

Trường hợp doanh nghiệp thành lập trong năm 2013 có hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đủ 12 tháng trong năm dương lịch hoặc doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2014 thì từ ngày 01/10/2014 doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay theo quý.

11. Công văn số 18974/BTC-TCT ngày 26/12/2014 thuế GTGT mặt hàng mủ cao su chưa qua sơ chế

Mủ cao su thiên nhiên chưa qua sơ chế (như mủ tươi, mủ đông) do tổ chức, cá nhân tự trồng trọt, bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán mủ cao su thiên nhiên chưa qua sơ chế cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.